Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lần thứ III, nhiệm kỳ 2025-2030 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa ra các quyết sách nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.
Theo đó, xây dựng Chiến lược phát triển ACV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giữ vững vai trò là doanh nghiệp chủ đạo trong quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng không quốc gia, góp phần tích cực cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới phồn vinh, văn minh và thịnh vượng.
Nâng tầm chất lượng dịch vụ
Xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho các chuyến bay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Đảng ủy ACV đã chỉ đạo, đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực về an toàn, an ninh cũng như chất lượng dịch vụ trong hoạt động khai thác cảng. Theo đó, ACV đã bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối cho 2,14 triệu lượt cất-hạ cánh, với 417 triệu lượt hành khách, gần 7 triệu tấn hàng hóa, bưu kiện; trong đó, có hơn 1.900 chuyến chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam.
Đánh giá của Đoàn thanh sát Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) cho thấy, các chỉ số bảo đảm an toàn, an ninh (USOAP-CMA) các sân bay do ACV đảm nhiệm đều tăng cao so với nhiệm kỳ trước, cao hơn mức trung bình thế giới và đứng top đầu của châu Á. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có kết quả đánh giá USOAP-CMA cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (65,5%) và mức trung bình của thế giới (69,9%). Theo đó, kết quả tổng thể của Việt Nam đạt 78,14% (cao hơn mức yêu cầu 75% của ICAO); các lĩnh vực trọng yếu cấu thành hệ thống bảo đảm an toàn hàng không đều đạt hơn 80% như: khai thác tàu bay 85,71%, quản lý hoạt động bay 91,8% và quản lý cảng hàng không, sân bay 83,85%,...
Thanh tra ICAO thực hiện đánh giá trực tiếp tại Cảng HKQT Nội Bài
Đồng thời, ACV và Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cũng đạt chứng nhận chương trình đánh giá an toàn khai thác mặt đất (ISAGO); Tổ chức đánh giá, xếp hạng hàng không Skytrax cũng xếp hạng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Đà Nẵng duy trì 2 năm liên tục (2024-2025) trong Top 100 sân bay tốt nhất thế giới; Nhà ga hành khách T2, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn 5 sao trong 2 năm 2024-2025.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA (International Air Transport Association) đã công bố và trao chứng nhận An toàn khai thác mặt đất theo tiêu chuẩn quốc tế (ISAGO) cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Quốc
Nhiệm kỳ vừa qua, ngành hàng không và ACV chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hoạt động vận tải hàng không giảm sâu liên tục, thị trường quốc tế giảm từ 70% đến 99%. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy ACV đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị vừa làm tốt phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tối đa chi phí hoạt động thường xuyên; sắp xếp dây chuyền vận hành khai thác tối ưu, hiệu quả; quản trị dòng tiền chặt chẽ; đẩy nhanh các dự án trọng điểm,… Qua đó, ACV thực hiện thành công “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, phòng chống dịch hiệu quả, kinh doanh có lợi nhuận, đời sống người lao động được bảo đảm, triển khai các dự án đúng tiến độ.
Giai đoạn phục hồi sau dịch, Đảng ủy ACV đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống xây dựng giải pháp, hỗ trợ các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở rộng, khôi phục các đường bay đến Việt Nam, cùng với việc hoàn thiện các hệ thống quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Sau 5 năm, tổng doanh thu của ACV đạt 75.109 tỷ đồng, tăng 4,5% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 32.155 tỷ đồng, tăng 30%; tổng tài sản liên tục tăng trưởng, từ mức 57.486 tỷ đồng (năm 2019) lên 76.500 tỷ đồng (năm 2024); tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 0,59 năm 2019 xuống còn 0,29 năm 2024; vốn chủ sở hữu (đến năm 2024) đạt 59.263 tỷ đồng, tăng 60%; hệ số bảo toàn vốn hằng năm lớn hơn 1, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; nộp ngân sách nhà nước 13.474 tỷ đồng.
Lãnh đạo đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng hàng không là một trong ba đột phá chiến lược được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhiệm kỳ vừa qua, ACV được Đảng và Nhà nước tin cậy giao triển khai các dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng hàng không trọng điểm lớn nhất từ trước tới nay; trong đó, có những dự án quan trọng quốc gia như dự án thành phần 3 (Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất,…).
Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các giải pháp để đẩy nhanh các dự án, nâng công suất toàn hệ thống từ 95,8 triệu khách năm 2020 lên 126 triệu khách năm 2025 (tăng 31% so với nhiệm kỳ trước). ACV tiếp tục khẳng định vai trò vị thế là doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng hàng không của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng của đất nước cũng như nộp ngân sách nhà nước.
Xác định chuyển đổi số là sự đột phá trong quản trị điều hành, sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy ACV đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực điều hành, quản lý và khai thác cảng hàng không và chuyển đổi số; Hội đồng quản trị ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy. ACV đã phát triển và làm chủ công nghệ bộ giải pháp mới AODB, FIDS, PAS, Veripax, ACV DCS, đặc biệt là hệ thống A-CDM tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, giúp tối ưu hóa cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, giảm thiểu tình trạng chậm chuyến và thời gian chờ cho các chuyến bay,….
ACV tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật số tại các cảng hàng không, tạo nên một hệ sinh thái số vững chắc
ACV đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Đề án tái cơ cấu, tập trung nâng cao hiệu quả tuyển dụng lao động, bảo đảm lựa chọn những nhân sự tiềm năng ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào; đào tạo, tái đào tạo và chuyển đổi nghề đối với lực lượng hiện có nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và bố trí lao động phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển bền vững; chú trọng xây dựng nguồn cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, có thành tích nổi trội.
Mặc dù ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng ACV vẫn bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho người lao động, chi trả lương tương xứng với mức tăng năng suất lao động. Theo đó, năm 2020, mức lương bình quân người lao động đạt 20 triệu đồng/tháng, thu nhập 23,33 triệu đồng/tháng, đến năm 2024, con số tương ứng đạt 30,52 triệu đồng và 38,14 triệu đồng. Ngoài ra, ACV còn thực hiện nhiều chế độ phúc lợi khác như mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, …
Bên cạnh những nỗ lực kinh doanh, ACV luôn chú trọng thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, chăm lo đời sống cho người lao động qua đa dạng các hoạt động thiết thực
Kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng
Giai đoạn 2025-2030, Đảng ủy ACV đã xác định rõ phương châm: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ vươn tầm quốc tế; tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy nhanh việc đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng”. Hằng năm, ACV phấn đấu kết nạp đảng viên mới đạt từ 3-4% tổng số đảng viên; 20% tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong đó, Đảng bộ ACV và các tổ chức đoàn thể cấp ACV phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Về sản lượng vận chuyển, ACV phấn đấu đạt tổng hành khách từ 700 triệu trở lên; hàng hóa bưu kiện từ 10 triệu tấn trở lên; với 4,1 triệu lượt cất hạ cánh trở lên; doanh thu hơn 148.000 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 30.000 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước từ 19.375 tỷ đồng trở lên; tổng tài sản đến năm 2029 dự kiến đạt hơn 136.000 tỷ đồng. Tổng công ty tập trung đầu tư, xây dựng, mở rộng các cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh theo quy hoạch, triển khai giai đoạn 2 Long Thành,… đưa công suất thông qua các cảng đạt 179 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 40% so với nhiệm kỳ trước).
ACV sẽ tập trung vào các đột phá phát triển kết cấu hạ tầng hàng không chiến lược: hoàn thành, đưa vào khai thác dự án Long Thành (thành phần 3), mở rộng Nội Bài theo quy hoạch và triển khai ngay dự án Long Thành giai đoạn 2 đáp ứng nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nhất là các nội dung đột phá; bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời, khả thi trong cơ chế nội bộ; huy động, phân bổ và phát huy có hiệu quả các nguồn lực của ACV, tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, làm nền tảng cho sự phát triển đột phá của ACV trong giai đoạn tới; xây dựng các sân bay xanh, thông minh, làm chủ tương lai số hóa.
Dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình mang tính biểu tượng đại diện cho sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam trong kỷ nguyên hiện đại
Tổng công ty tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ kinh doanh cốt lõi, dịch vụ thế mạnh của ACV gồm tối ưu hóa công suất khai thác các cảng hàng không; phát triển dịch vụ hàng hóa và logistics hàng không. ACV chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng cơ chế thu hút các hãng hàng không nội địa và quốc tế mở đường bay mới, trọng tâm xúc tiến mở đường bay tại các sân bay quốc tế trọng điểm của ACV như Long Thành (trung tâm trung chuyển kết nối Á-Âu-Bắc Mỹ-Nam Thái Bình Dương); Tân Sơn Nhất và Nội Bài (duy trì vai trò cảng hàng không trung tâm khu vực cả nước).
ACV phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ công trình trọng điểm quốc gia Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đúng như cam kết với Đảng và Chính phủ, đồng thời tập trung mọi nguồn lực cho các dự án đang triển khai để bảo đảm tiến độ dự án theo kế hoạch, không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, gây đội vốn; ưu tiên đầu tư các cảng hàng không giữ vai trò then chốt trong hệ thống như Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; phát triển các trung tâm dịch vụ logistics tại các cảng lớn như Long Thành, Đà Nẵng, Cát Bi,… Cùng với đó, cập nhật hoàn thiện Đề án cơ cấu lại ACV giai đoạn 2026-2030; Chiến lược phát triển giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045; sắp xếp và tinh gọn bộ máy tổ chức, nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hoàn thiện mô hình hoạt động, khai thác các dịch vụ một cách đồng bộ, hiệu quả.
Đảng bộ ACV tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ đối với các hoạt động của ACV; tăng tốc chuyển đổi số gắn với tinh gọn bộ máy, xem đây là nhân tố quyết định tạo động lực và sức sống mới cho tổ chức đảng. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ; tập trung xây dựng, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của ACV đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có cơ cấu hợp lý, bảo đảm cơ cấu giữa các thế hệ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ ACV lần thứ III, nhiệm kỳ 2025-2030 nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; phát huy ưu điểm, thành tích đạt được; nghiêm túc khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm; tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; phát huy mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ ACV lần thứ III đề ra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng./.
VŨ THẾ PHIỆT
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
Nguồn: Báo Nhân dân